Bằng cách này hay cách khác, họ đều là những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ hoặc là một đồng minh đáng tín nhiệm của cộng đồng này, và Pride Month là thời điểm thôi thúc nhất, khiến cho họ nhìn về quá trình phát triển của bản thân, cũng như cách mà họ, hay thương hiệu mà họ đại diện có những nỗ lực cụ thể nào để tôn vinh và ủng hộ những cá tính độc bản, sự đa dạng về tính giới, cùng những thông điệp tích cực để khai mở sự ủng hộ lẫn nhìn nhận tích cực về cộng đồng LBGTQ+ bởi xã hội phát triển.

Châu Á vẫn đang là một khu vực xen lẫn những giá trị truyền thống, tập quán, tôn giáo, mà vẫn đồng thời phát triển theo tuyến tính nhằm hướng tới một xã hội cởi mở hơn về tính dục. Điều này tạo ra những cuộc tranh luận không hồi kết, gạn lọc thành cảm hứng sáng tạo cho những người làm công việc này trong ngành thời trang tại đây.

Rose đã cất công tìm đến những cá nhân sáng tạo ở khu vực APEC, với mong muốn lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện làm nghề thú vị, cũng như cách mà họ đã và đang dùng tài năng nhờ khổ luyện của bản thân, để khuếch đại thành ngôn ngữ giao tiếp, tuyên truyền cho cộng đồng LGBTQ+

Jan Mayo – Photographer người Philippines đầu tiên đoạt giải thưởng Fujifilm GFX Challenge Grant Program

Jan Mayo là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong làng thời trang ở Philippines. Trong gần 5 năm, kỹ năng nhiếp ảnh và sự sáng tạo của anh vượt xa quãng thời gian anh dấn thân vào sự nghiệp này.

Jan Mayo

Jan Mayo từng cộng tác cùng với các tạp chí thời trang danh tiếng, bao gồm Vogue Philippines, Preview, MEGA, Inquirer, Nylon… Với nỗ lực không ngừng nghỉ để phát triển với tư cách là một nhiếp ảnh gia đã giúp anh trở thành người chiến thắng và đại diện cho Philippines trong cuộc thi Fujifilm GFX Challenge Grant Program- anh là người Philippines đầu tiên giành chiến thắng ở giải thưởng danh giá này.

Jan bắt đầu vào năm 2018. Với quãng thời gian khoảng 4-5 năm thực hành và sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh. Bắt nguồn là một vũ công, nghệ sĩ biểu diễn và diễn viên sân khấu trước khi đến với nhiếp ảnh, điều đó giúp hình thành sự nhạy cảm và cá tính của anh khi chụp. Thứ giúp anh cảm thấy thoả mãn khi sáng tạo là cung bậc sắc thái, chuyển động hình thể, nét mặt và dáng người của người mẫu – những thứ mang lại cảm giác chân thực và gần gũi đối với anh.

PRIDE có ý nghĩa gì đối với những người làm sáng tạo tại châu Á?

Các tác phẩm của Jan rất đa dạng, từ chân dung đến các bộ hình thời trang cao cấp và thậm chí cả nghệ thuật sáng tạo. Anh đã phát triển phong cách độc đáo của mình bằng cách tìm ra hướng đi cụ thể, tuy tưởng dễ mà khó.  Trước đây, nhiếp ảnh đen trắng không phổ biến ở Philippines, vì vậy khi bắt đầu chụp ảnh, Jan đã tập trung vào cách tạo ra những bộ hình thời trang đen trắng ấn tượng nhất có thể, trước khi thử và trải nghiệm những phong cách chụp ảnh mới. Yếu tố nhất quán mà Jan luôn tích hợp vào các tác phẩm của mình là tính “động” trong nhiếp ảnh – vốn gắn kết với xuất phát điểm nền tảng của anh. 

Bản thân là một người thuộc cộng đồng LGBTQ+, Jan cũng có những chia sẻ rất thẳng thắn về ý nghĩa của Pride Month và những gì đang diễn ra trong ngành thời trang tại Philippines. 

PRIDE có ý nghĩa gì đối với những người làm sáng tạo tại châu Á?
Jan cộng tác cùng tạp chí Vogue Phillipines. Người mẫu: Jachin Manere

Bây giờ là Tháng Tự hào, là một nhiếp ảnh gia, anh thường thể hiện niềm tự hào như thế nào qua ống kính của mình?

Chúng tôi đã có khá nhiều sự kiện/cơ hội để tôn vinh cộng đồng LGBTQ+ ở Philippines nên tôi chưa dự tính có một dự án đặc biệt nào trong Tháng Tự hào này. Quan trọng là tôi làm việc với những tài năng trong cộng đồng LGBTQ+ rất nhiều. Tôi có những người bạn thân là người mẫu chuyển giới nữ. Không nhất thiết chỉ là tháng Tự hào mà tôi mới cân nhắc để làm việc cùng với cộng đồng LGBTQ+. Đây cũng nên là một hành vi đáng lan rộng trong ngành này.

Philippines là một quốc gia mà người chuyển giới vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Là một nhiếp ảnh gia đã từng làm việc với những người mẫu chuyển giới, anh cảm thấy thế nào?

Đó là một thực tế đáng buồn, nhưng vì Philippines là một quốc gia Cơ đốc giáo phổ biến ở châu Á. Với tư cách là một nhiếp ảnh gia, tất nhiên, tôi đồng cảm và sẽ hỗ trợ, hoặc đóng góp vào thành công của những người trong cộng đồng LGBTQ+ của tôi. Nhưng tôi sẽ cố gắng không vì thế mà luôn dành sự thiên vị cho những mối quan hệ trong ngành. Tôi mong đợi được làm việc với những người có ý thức cao về giá trị trong công việc của họ, cho dù là người chuyển giới hay không. Bạn luôn phải chuyên nghiệp để làm việc trong lĩnh vực thời trang.

Theo anh, liệu ngành công nghiệp thời trang có bày tỏ đủ sự đồng cảm và bảo vệ đối với những người chuyển giới? Anh có nghĩ rằng nó sẽ thay đổi tốt hơn?

Theo tôi, ngành công nghiệp thời trang ở Philippines chấp nhận sự đại diện của người chuyển giới nhưng không hoàn toàn công khai, hoặc đấu tranh vì điều đó. Nhưng tôi nghĩ nó đang thay đổi theo hướng tốt hơn vì chúng tôi có một người mẫu chuyển giới trên trang bìa của tạp chí Vogue Philippines vào tháng 12 đến tháng 1 năm 2023. Tháng trước, chúng tôi cũng có một cuộc thi người mẫu được phát sóng trên ABS-CBN (một đài truyền hình lớn của quốc gia) có tên Slay Model Search Asia. Tôi là một thành phần trong ban giám khảo. Tôi tin rằng đó là một cột mốc quan trọng để ngành công nghiệp thời trang tại Philippines công nhận vẻ đẹp và tài năng của những người phụ nữ chuyển giới.

Mục tiêu và tham vọng trong tương lai của anh với tư cách là một nghệ sĩ là gì?

Jan trong một workshop của Fujifilm

Nhiếp ảnh là một sự nghiệp lâu dài và tôi muốn mở rộng sang các phương tiện, cách thức sáng tạo khác nhau, có thể là video, hội họa hoặc sáng tạo nghệ thuật kết hợp. Tôi muốn phát triển với tư cách là một nghệ sĩ vì tôi tin rằng luôn có cơ hội để cải thiện và trở nên tốt hơn.

Anton Zimin – Nghệ sĩ trang điểm ươm mầm tài năng cho thế hệ kế cận 

Anton Zimin là một nghệ sĩ trang điểm chuyên nghiệp người Nga. Anh ấy đã làm việc với M∙A∙C Cosmetics kể từ ngày đầu tiên. Sau 14 năm làm việc trong ngành, giờ đây anh đang hạnh phúc truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ trang điểm tiếp theo của thương hiệu. 

Anh ấy là một trong những nghệ sĩ trang điểm có tham vọng đi du lịch khám phá thế giới, từ đó dùng kỹ nghệ của mình để phù phép và để lại mọi dấu ấn của mình ở tất cả mọi nơi, dù là các tạp chí thời trang lớn hay tuần lễ thời trang quốc tế từ London, Paris, New York hoặc Milan.

PRIDE có ý nghĩa gì đối với những người làm sáng tạo tại châu Á?
Anton Zimin.

Anh đã làm việc trong ngành này bao lâu rồi? Đã có những gì thay đổi trong ngành công nghiệp này theo góc nhìn của cá nhân anh?

Tôi đã ở trong ngành công nghiệp làm đẹp hơn 14 năm. Ngành công nghiệp hiện xoay quanh phương tiện truyền thông xã hội và xu hướng thay đổi nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng các xu hướng bây giờ tập trung hơn vào cá nhân. Nếu bạn xem các buổi trình diễn thời trang cách đây 5 năm, chỉ có một phong cách trang điểm duy nhất cho tất cả người mẫu, và điều đó đã thay đổi.

M∙A∙C tôn vinh sự đa dạng và cá tính, đồng thời tự hào là thương hiệu chào đón mọi người ở “Mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và mọi giới tính”. Đối với tôi, trang điểm là tôn lên vẻ đẹp thực sự của một người, vì vậy tất cả các kiểu khuôn mặt và đặc điểm khác nhau đều đẹp. Ngày nay, chúng tôi làm việc với các nhà thiết kế thời trang và thương hiệu để tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của từng người mẫu. Điều này cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn, nhưng nó cần thiết.

Ba khoảnh khắc thay đổi sự nghiệp của anh là gì?

Lần đầu tiên là khi tôi được đặt lịch tham gia Tuần lễ thời trang quốc tế lần đầu tiên vào năm 2013. Sau đó, tôi sẽ làm việc với các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên các tạp chí thời trang như Grazia, Harper’s Bazaar, L’Officiel India/Lithuania, Cosmopolitan và Men’s Health. Lần thứ ba là khi tôi được thăng chức làm Giám đốc nghệ thuật cấp cao tại M∙A∙C Cosmetics APAC. Tôi hiện đang làm việc tại Hồng Kông và làm việc với 11 thị trường khác nhau trong khu vực, đó là một trải nghiệm tuyệt vời.

M·A·C Cosmetics cam kết như thế nào với cộng đồng LGBTQIA+?

Kể từ khi M·A·C được thành lập vào năm 1984 bởi hai người đàn ông trong cộng đồng LGBTQIA+, nó đã đại diện cho một điều đơn giản: Mọi lứa tuổi, Mọi chủng tộc, Mọi giới tính. M·A·C VIVA GLAM là một tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1994 và 100% giá bán của Son môi VIVA GLAM được chuyển đến các tổ chức nhằm tạo ra tương lai lành mạnh và quyền bình đẳng cho các cộng đồng kém may mắn, chống lại HIV/AIDS, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng LGBTQIA+. Chúng tôi chào đón nhân viên hay nghệ sĩ trang điểm từ mọi giới tính và mọi chủng tộc, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các sự kiện Pride trên khắp thế giới trong suốt cả năm. 

Chúng tôi tự hào là một đồng minh đáng tin cậy mãi mãi và là nơi mà những người LGBTQIA+ được chào đón để thể hiện sự sáng tạo, chơi đùa với màu sắc và là con người thật của họ kể từ ngày đầu tiên.

M∙A∙C Cosmetics đã hợp tác để trở thành đồng minh chính cho Slay Model Search Asia — một cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của những người mẫu chuyển giới. Anh cũng là một trong những giám khảo của cuộc thi. Anh nghĩ gì về sự hợp tác này?

Cuộc thi rất quy mô — đó là một sân khấu sáng bừng để những người mẫu chuyển giới tài năng theo đuổi và đạt được ước mơ của họ. Có thể làm việc với những tài năng chuyển giới và tận mắt nghe những câu chuyện cá nhân của họ thực sự đã truyền cảm hứng đến tôi và tôi hy vọng ngành công nghiệp lẫn công chúng cũng cảm động như vậy. Bằng cách tham gia vào chương trình này, chúng tôi chia sẻ rằng M∙A∙C Cosmetics đánh giá cao và ủng hộ việc trao quyền cho cộng đồng LGBTQIA+ (và không chỉ trong Tháng Tự hào).

Anh có lời khuyên nào dành cho cho các nghệ sĩ trang điểm mới vào nghề không?

Làm việc chăm chỉ, cần cù và không ngừng phát triển. Bạn cần có tầm nhìn, mục tiêu hoặc điều gì đó mà bản thân muốn đạt được. Hãy tiếp tục làm việc chăm chỉ, và bạn rồi sẽ đến được nơi bạn muốn.

PRIDE có ý nghĩa gì đối với những người làm sáng tạo tại châu Á?

Nhi Ngờ – Tài năng trẻ đầy sáng tạo, luôn để cảm xúc dẫn lối cho sự thăng hoa

Nhi Ngờ là một tài năng đáng được ghi nhận trong số những gương mặt nhiếp ảnh gia trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển niềm đam mê dành cho nhiếp ảnh từ quá trình theo đuổi một lý tưởng sống của riêng mình, nữ nhiếp ảnh gia 9x đề cao tinh thần tự do trong sáng tạo và không ngừng rèn giũa những kỹ năng thiết yếu để trở nên khác biệt.

Sau nhiều năm nỗ lực, Nhi hiện tại là một trong những nhiếp ảnh gia được tín nhiệm bởi nhiều người nổi tiếng, thương hiệu thời trang, tạp chí (trong đó có L’Officiel). Nhi là một nữ nhiếp ảnh gia sống theo châm ngôn rằng chỉ nên phơi bày thành quả, chứ không nên nói suông. Mọi thứ Nhi làm đều âm thầm lặng lẽ và để giá trị tự thân của sự sáng tạo tự liên kết với người xem, một cách thân mật hay công khai, rằng Nhi là một nhiếp ảnh gia có tư duy như thế nào. Không trải qua bất kỳ một trường lớp bài bản nào về nhiếp ảnh, tất cả mọi kiến thức và kỹ năng của Nhi được trau dồi tự thân, và học hỏi từ đồng nghiệp và từ chính những thất bại mà mình gặp phải.

PRIDE có ý nghĩa gì đối với những người làm sáng tạo tại châu Á?
Nhi Ngờ

Nhi sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp, tự thân một mình lên Sài Gòn từ cách đây 9 năm để theo đuổi ngành Báo chí và Truyền thông tại trường Đại học Xã hội và Nhân văn. Nhi Ngờ ngày ấy có một sự đồng cảm sâu sắc đối với các nạn nhân, hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi trong xã hội, và dưỡng nuôi ước mơ muốn trở thành một cây bút phóng sự để giúp đỡ những họ.

Tư duy sáng tạo của Nhi được mở rộng hơn, khi cô chuyển từ việc viết sang chụp. Những tác phẩm sáng tạo là những bộ hình nghệ thuật của Nhi có khả năng truyền tải những cung bậc cảm xúc, những tuyên ngôn rõ ràng chẳng kém gì sức mạnh của câu chữ. Cũng chính bởi thế mà Nhi luôn có thể đồng cảm được với những cá nhân, cộng đồng là thiểu số, yếu thế trong xã hội. Nhi từng thực hiện những bộ hình tôn vinh những nhóm người khuyết tật, những cụ già neo đơn, những cá nhân/nhóm trong cộng đồng LGBTQ+.

Là một người luôn làm việc với các tài năng trong cộng đồng LGBTQ+ từ lúc bắt đầu con đường nhiếp ảnh, họ đã giúp Nhi thế nào trong chặng đường phát triển của mình?

Người dẫn dắt Nhi vào con đường nhiếp ảnh chính là Nhiên, một cậu bạn trong cộng đồng LGBTQ+. Nhiên chính là nhà thiết kế kiêm nhiệm người mẫu cho bộ ảnh thời trang đầu tiên mà tôi chụp. Làm việc một thời gian mới biết trong ngành thời trang, giới tính còn đa dạng hơn nhiều. Đây là điều khiến mình cởi mở hơn khi kết nối với mọi người, vì trước đó tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc và làm việc cùng những người thuộc cộng đồng. Họ chính là những người thúc đẩy và giúp tôi dưỡng nuôi những ước mơ được vươn xa hơn trong nghề. 

Làm việc lâu năm trong ngành này, tôi nhận thấy rằng hầu như ai làm sáng tạo cũng biết yêu cái đẹp và đề cao nhiều giá trị bản thân hơn cả việc rạch định giới tính là điều hoàn toàn bình thường, và còn mang lại góc nhìn đa chiều hơn. Họ sẽ thấu hiểu tầng sâu hơn một chủ thể, bất luận giới tính, điều này khơi mở những biên độ sáng tạo và giúp nâng tầm cảm xúc nghệ thuật khi nắm bắt. Đối với Nhi, ngành thời trang là khu vườn sáng tạo của cộng đồng LGBTQ+. Những bậc đàn anh mà tôi mến mộ đều thuộc cộng đồng này.

Dự án cộng tác cùng người mẫu chuyển giới

Trong suốt 5 năm theo đuổi nhiếp ảnh, liệu động lực, mục tiêu hay yếu tố nào khác đã khiến cho Nhi trưởng thành thêm hơn trong công việc sáng tạo?

Sự thừa nhận. Thừa nhận rằng mình vẫn còn có những điểm cần nỗ lực hơn, mỗi khi gặp trở ngại, hay thiếu sót, thất bại trong công việc. Tôi là một người cầu toàn, cầu thị, nhiều ước mơ. Điều này khiến tôi luôn trăn trở, nhưng cũng là động lực để thúc tiến cho sự tăng trưởng. Tôi tự nhận thấy rằng tiềm năng phát triển của bản thân mới chỉ ở bước khởi đầu. Tôi có nội lực, tiềm lực, năng lực lẫn động lực để có thể phát triển và tiến xa hơn trong công việc sáng tạo.

Những dự án cá nhân của Nhi mang tính cộng đồng cao, chẳng hạn như bộ hình chụp những cụ già ở hội người neo đơn và gần đây nhất là bộ hình tôn vinh người khuyết tật. Nhi có mục tiêu đề ra gì cho mình khi khai thác những bộ hình mang tính cộng đồng thế này?

Nhi tự muốn bản thân phải có những dự án khác với công việc thường ngày bởi phần nhiều công việc của tôi gắn liền với việc chụp người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ giải trí…  vốn luôn được tô điểm và khoác lên bởi những thứ phục sứ, trang phục lộng lẫy. Họ đẹp và chúng ta ai cũng dễ kết nối với cái đẹp. Thế còn những điều còn lại? Mình sẽ kết nối với họ bởi điều gì? Đó là câu hỏi thôi thúc khiến tôi thực hiện những dự án cộng đồng như vậy.

PRIDE có ý nghĩa gì đối với những người làm sáng tạo tại châu Á?
Dự án tôn vinh người khuyết tật của Nhi

Pride Month, Nhi có dự án nào để chia sẻ sự ủng hộ của mình với cộng đồng LGBTQ+ không? 

Với cộng đồng LGBTQ+, tôi là một đồng minh thân cận. Một người con gái dị tính như tôi may mắn được cộng đồng này nâng đỡ và quan tâm xuyên suốt hành trình phát triển, đó cũng là một mối liên kết thân tình. Tôi không dám tự nhận là quá thấu hiểu về cộng đồng, nhưng chắc chắn là một người cực kỳ ủng hộ họ. 

Năm nay, team 6.ofX do tôi và Trần Nguyễn Phương Tín (Pick) đã kết hợp giữa hướng nhiếp ảnh và thị giác 3D để sản xuất một bộ ảnh chụp 3D là hình hiệu của “đội Đỏ” của huấn luyện viên Bùi Quỳnh Hoa trong cuộc thi ‘Miss International Queen 2023’. Tôi cũng đồng thời sản xuất một bộ ảnh về diễu hành Pride Month của em sinh viên Bi Heo và gần đây là bộ ảnh cộng tác với người mẫu chuyển giới.

Hình hiệu của team Bùi Quỳnh Hoa trong Miss International Queen

Niccolò Cosme – Giám đốc sáng tạo kỳ cựu và những nỗ lực đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng LBGTQ+ tại Philippines

Niccolò Cosme bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực nhiếp ảnh vào năm 2001. Được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ nỗi đau và thống khổ được truyền tải qua những tác phẩm minh  hoạ về Cơ đốc giáo, Niccolò có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đầy thẩm mỹ với hàm ý mang tính triết học, tam quan, đề cao sự chiêm nghiệm tới mỗi cá nhân. Những tác phẩm mà anh tạo ra thường được sử dụng để thúc đẩy các hoạt động vì cộng đồng LGBTQIA+ và HIV ở Philippines và quốc tế.

Vào năm 2007, Niccolò đã thành lập Project Headshot Clinic. Ngày nay, nó đã phát triển thành một dự án cộng đồng sử dụng sức lan truyền của hình ảnh với quảng cáo để nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến xã hội như bình đẳng cho cộng đồng LGBTQIA+, trao quyền cho phụ nữ, khủng hoảng khí hậu, HIV/ AIDS…

PRIDE có ý nghĩa gì đối với những người làm sáng tạo tại châu Á?
Niccolò Cosme

Anh cũng thành lập The Red Whistle vào năm 2011, một tổ chức phi chính phủ được thành lập để trở thành tiếng nói của cộng đồng đối với tình trạng báo động về HIV/ AIDS ở Philippines. Anh ấy đã hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ khác nhau để tiếp tục thực hiện mục tiêu này trong suốt nhiều năm qua.

Với 22 năm kinh nghiệm trong ngành nhiếp ảnh, sáng tạo thì góc nhìn tổng quan của anh về ngành này đã có những thay đổi thế nào?

Khi tôi bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh vào năm 2001, internet còn rất mới, nhưng đồng thời chúng tôi đã trải nghiệm nhiều phương cách cộng tác trực tuyến. Trải nghiệm mới mẻ khi làm việc trực tuyến là một điều tuyệt vời, nhưng tôi nghĩ có rất nhiều thứ mà chúng tôi phải tự mày mò khám phá trong khoảng thời gian đó.

Và vì vậy, xét về bối cảnh sáng tạo, tôi tin rằng giờ đây cơ hội và khả năng tiếp cận để có thể sáng tạo, đồng sáng tạo và cộng tác dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện tại có rất nhiều nền tảng hỗ trợ cho việc cộng tác trực tuyến và tôi tin rằng nó đã thay đổi cách mọi người làm việc cùng nhau. Công nghệ đã phát triển rất nhanh và cách chúng ta tiếp cận sáng tạo lẫn làm việc chắc chắn đã thay đổi.

Drag queen Eva Le Queen trong một dự án của Niccolò

Tại sao anh bắt đầu thành lập Red Whistle và The Project Headshot Clinic?

Project Headshot Clinic có khởi đầu đơn thuần là một ý tưởng đơn giản: chụp hình để đăng mạng xã hội. Bạn của tôi muốn có một tấm hình profile mới, và nhờ tôi chụp hình chân dung cho nó. Điều mà tôi không dự tính được trước, đó là tấm hình profile đó trở thành một sức hút lớn tới những người quan tâm, và tôi được nhiều người liên hệ để được chụp hình như thế. Sau đó, tôi đã phát triển dự án này ở quy mô lớn hơn nhiều. Tôi mời một số người bạn có ảnh hưởng của tôi đến studio và chụp ảnh chân dung của họ và phát hành nó vào một ngày cụ thể. Đó chính là cách thức triển khai của project Headshot Clinic đến tận hiện tại, và giờ thì nó luôn mang một ý nghĩa, thông điệp hay chủ đích cụ thể, chẳng hạn như là để tôn vinh tháng Tự hào ở thời điểm hiện tại.

Nhưng chiến dịch lớn, ý nghĩa đầu tiên là để tuyên truyền về HIV/AIDS. Tôi còn nhớ vào năm 2008, tôi đã thực hiện một chiến dịch lớn tuyên truyền thông điệp tích cực về căn bệnh này trong Ngày Thế giới phòng chống AIDS, cũng vào thời điểm này, một người bạn thân thiết của tôi đã tiết lộ rằng họ bị bệnh HIV. Chúng tôi cùng nhau tổ chức những cuộc triển lãm và rất nhiều người tới xem. Có cả sự tham gia của báo giới nữa. Cũng chính sự thôi thúc muốn tuyên truyền nhận thức về căn bệnh HIV/AIDS đã khiến tôi thiết lập nên The Red Whistle vào năm 2011, bởi vì chúng tôi nhận ra rằng nhận thức về HIV không nên chỉ được thực hiện vào mỗi Ngày Thế giới phòng chống AIDS. The Red Whistle là nhằm để tập trung tuyên truyền phòng chống căn bệnh này.

Anh hiện cũng đang đảm nhiệm vai trò giám đốc của công ty đại diện người mẫu chuyển giới ở Manila. Anh nhận định thế nào vì việc chấp nhận và ủng hộ các tài năng chuyển giới tại Philippines? Liệu đây là một xu hướng hay một sự thay đổi từ từ, hướng tới một tương lai tốt hơn?

Tôi nghĩ nó thật tuyệt vời. Trước đây, phụ nữ chuyển giới đã được tôn vinh ở Philippines từ rất lâu rồi bởi vì chúng tôi có tất cả các cuộc thi sắc đẹp dành cho người đồng tính ở các thị trấn nhỏ và cả ở các thành phố lớn. Ở Philippines, khi bạn nói cuộc thi sắc đẹp đồng tính, nó thường có nghĩa là cuộc thi sắc đẹp không chỉ dành cho người chuyển giới mà còn dành cho những người đồng tính nam sẽ ăn mặc khác giới tại cuộc thi đó. Nhưng nó thường chỉ dành cho dịp lễ hội. Thường những dịp thế này, mục đích duy nhất chỉ là mang tới sự giải trí cho quan khách tham dự. Để họ có thể xuất hiện trên một sân khấu trình diễn thời trang thực sự là một dịp hiếm hoi. Đó là lý do tại sao phải mất một thời gian tôi mới thấy những người phụ nữ chuyển giới thực sự sải bước trên sàn catwalk. Tôi nghĩ rằng ngành thời trang đang dần có một sự nhìn nhận tích cực đối với người chuyển giới. 

Và tôi nghĩ đó là mục tiêu mà Slay Model Management muốn đạt được, đó là mang lại sự bình thường hóa ở Philippines, rằng việc làm việc cùng một phụ nữ chuyển giới làm công việc của một phụ nữ cho một công việc trong ngành thời trang là điều bình thường, dễ dàng và điều đó nên được tôn vinh.

Việc nâng cao nhận thức về quyền của cộng đồng LGBT+, không chỉ trong Tháng Tự hào, quan trọng như thế nào đối với anh?

Chắc chắn không chỉ vào Tháng Tự hào, bởi vì cuộc đấu tranh của cộng đồng LGBT không kết thúc vào tháng Sáu mà phải là nỗ lực quanh năm. Vì vậy, cho đến khi cộng đồng có được sự bình đẳng đầy đủ mà chúng tôi đáng được hưởng, thì chúng tôi không bao giờ nên ngừng đấu tranh cho nó. Đó là lý do tại sao nâng cao nhận thức cho mọi người, giáo dục mọi người, làm cho mọi người hiểu và biết những câu chuyện khác nhau của cộng đồng, những khó khăn, ước mơ và khát vọng, chúng rất quan trọng.

Anh có thể chia sẻ về Tanggulan – triển lãm mới nhất của anh?

Tanggulan có nghĩa là phòng thủ, và đây là nơi những người lính tập hợp lại trong chiến tranh. Nó cũng tình cờ là con phố nơi mẹ tôi sinh ra, ở Gawit Cavite, cái nôi của nền độc lập của Philippines. Đây là một sê-ri mười một tác phẩm kể về những câu chuyện khác nhau, những con người khác nhau và các tác phẩm nghệ thuật được vẽ bằng máu dương tính với HIV vì tôi muốn nhân hóa HIV và tôi cũng muốn khán giả cảm thấy kinh diễm khi họ nhìn thấy nó.

Hoa hậu Hoàn Vũ Pia Wutzbach trong series Tanggulan.

Tôi muốn họ tự vấn và tôi rất vui vì mình đã có thể ít nhiều đạt được điều này. Sê-ri Tanggulan cũng được lấy cảm hứng từ các chiến binh, đó là lý do tại sao khi bạn nhìn thấy những hình ảnh trong triển lãm trông giống như những chiến binh châu Á siêu thực. Đó là sự kết hợp của một số yếu tố Philippines cùng giao thoa với các yếu tố châu Á khác như Việt, Thái, Campuchia, Nhật, hay Trung. Bạn sẽ thấy điều này rõ ràng trên trang phục và đạo cụ.

Ảnh đại diện Fellini Rose

Published by